Ngày 8.7.1994, lãnh đạo Đài Phát thanh - truyền hình Lai Châu, cũ (nay là Đài Phát thanh -truyền hình Điện Biên) phân công phóng viên Nguyễn Trọng Linh (khi đó 35 tuổi) đi theo đoàn công tác của H.Mường Lay, ghi hình viết bài phản ánh việc trao sổ tiết kiệm cho 5 trẻ em mồ côi, tật nguyền ở xã Nậm Hàng, H.Mường Lay, Lai Châu (nay thuộc huyện H.Nậm Nhùn, Lai Châu).
Sáng 9.7.1994, đoàn công tác do bà Lò Thị Thư (khi đó là Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em H.Mường Lay) dẫn đầu, đã từ Mường Lay đi theo đường dân sinh bờ nam sông Đà và vượt sông sang bản Nậm Hàng bên bờ bắc.
Lễ truy điệu nhà báo Nguyễn Trọng Linh, tháng 7.1994
16 giờ chiều 9.7.1994, đoàn công tác gồm 6 người trao xong sổ tiết kiệm, vượt sông Đà trở về bờ nam bằng thuyền độc mộc. Do thuyền nhỏ, chỉ chở được 3 người, nên anh Linh đi chuyến đầu. Khi thuyền vào gần bờ thì lũ quét trên đầu nguồn đột ngột đổ xuống. Nước tràn vào thuyền, khiến bà Lò Thị Thư hoảng sợ ngã khỏi thuyền. Ngay lập tức, anh Linh lao xuống cứu bà Thư và dìu vào bờ.
Sau đó anh Linh lao ra sông để lấy máy quay phim (tài sản rất có giá trị của các đài phát thanh - truyền hình, thời điểm năm 1994), máy ảnh, túi tư liệu công tác của đài, nhưng đã bị nước lũ nhấn chìm. Những ngày sau đó, chính quyền và cơ quan tổ chức 2 đoàn tìm kiếm bằng xuồng máy, nhưng mãi trưa ngày 13.7.1994, mới thấy thi hài anh Linh ở đoạn sông Pắc Ma (Thuận Châu, Sơn La), cách nơi xảy ra sự việc khoảng 135 km.
Di ảnh liệt sĩ - nhà báo Nguyễn Trọng Linh
14 năm mới được công nhận liệt sĩNgay sau khi nhà báo Nguyễn Trọng Linh hy sinh, ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần đề nghị cấp trên xác nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, kết quả vẫn là số không.
Chị Hoàng Thị Nguyệt (65 tuổi, vợ liệt sĩ Hoàng Trọng Linh) nhớ lại: Năm 2002, sau khi chuyển công tác từ Đài Phát thanh - truyền hình H.Tuần Giáo (nay là Trung tâm văn hóa - truyền thanh - truyền hình H.Tuần Giáo, Điện Biên) về Ban quản lý khu du lịch Pá Khoang của tỉnh Điện Biên, chị Nguyệt quyết tâm làm chế độ liệt sĩ cho chồng.
Nhờ sự giúp đỡ của một số đồng nghiệp, chị Nguyệt tìm xuống tận Bộ LĐ-TB-XH, tìm hỏi. Ban đầu, một số cán bộ lắc đầu "đã xem xét và trả lời không được". Nhưng trước sự kiên nhẫn của chị Hằng, họ cũng phải xem lại hồ sơ - tài liệu và tá hỏa "do giấy tờ chỉ ghi... chết đuối".
Gần 6 năm trời kiên trì, chị Nguyệt đã thuyết phục được các cơ quan chức năng ở Hà Nội tư vấn, hướng dẫn thủ tục giấy tờ. Sau đó là lặn lội tìm lại các nhân chứng, thuyết phục cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên làm lại văn bản, chứng thực nhà báo Nguyễn Trọng Linh đã "hy sinh khi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và của nhân dân", đúng theo tinh thần của điểm 4, điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng).
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Trọng Linh được cấp cuối năm 2008, hơn 14 năm sau khi anh hy sinh
Sau khi đã đầy đủ các thủ tục giấy tờ, bản cam đoan của hàng chục nhân chứng, UBND tỉnh Điện Biên cũng hoàn thiện các văn bản liên quan và làm tờ trình gửi xuống Hà Nội cho ngành chức năng phê duyệt. Ngày 2.12.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Nguyễn Trọng Linh, nguyên quán Kinh Môn, Hải Dương là "phóng viên nhà báo" đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 9.7.1994.
Sau khi tìm thấy thi hài, anh Linh được đưa về truy điệu tại TX.Lai Châu cũ (nay là TX.Mường Lay, Điện Biên) và được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ Sông Đà gần cầu Hang Tôm.
Năm 2001, sau 7 năm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ, phần mộ của nhà báo Nguyễn Trọng Linh phải ra khỏi nghĩa trang liệt sĩ và chuyển về nghĩa trang nhân dân tại Tuần Giáo. Năm 2011, sau 3 năm được công nhận liệt sĩ, phần mộ nhà báo Nguyễn Trọng Linh mới chính thức được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao (xã Thanh Nưa, H.Điện Biên).
Yêu nhau mấy núi cũng trèoChúng tôi tìm đến số 38, tổ 10, P.Noong Bua, TP.Điện Biên Phủ tìm chị Hoàng Thị Nguyệt (vợ liệt sĩ - nhà báo Nguyễn Trọng Linh), được giới thiệu: "Sau 30 năm anh ấy hy sinh (2014) mới làm được nhà. Trước đó toàn đi thuê, ở nhờ!".
Chị Nguyệt sinh năm 1959, quê Thanh Hóa, sống ở TT.Tuần Giáo, H.Tuần Giáo (Điện Biên) từ năm 1972. Năm 1977, chị Nguyệt theo học Trường Công nhân kỹ thuật truyền thanh (nay là Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình I, thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam), sau khi tốt nghiệp, nhận công tác tại Đài Phát thanh Lai Châu, làm công việc kỹ thuật sửa chữa máy truyền thanh.
Ngày 17.2.1979, phía Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Đài Phát thanh tỉnh sơ tán từ TX.Lai Châu cũ (nay là TX.Mường Lay, Điện Biên) về bản Hin, xã Quài Cang, H.Tuần Giáo. Chị Nguyệt cũng theo cơ quan sơ tán về làm công việc sửa chữa đài truyền thanh ở cửa hàng mới thành lập ven quốc lộ 6, cạnh đường vào khu sơ tán của đài.
Cùng thời gian này, anh Nguyễn Trọng Linh được tuyển vào làm phóng viên Đài Phát thanh Lai Châu (khi đó sơ tán tại bản Hin). Do thường xuyên phải gửi xe đạp ở cửa hàng sửa chữa máy truyền thanh, nên anh phóng viên Nguyễn Trọng Linh quen thân cô kỹ thuật viên Hoàng Thị Nguyệt và sau 4 năm yêu đương, cuối tháng 1.1983, họ tổ chức lễ cưới.
Cưới nhau xong, cơ quan cho đôi vợ chồng trẻ ở nhờ 1 gian trong cửa hàng sửa chữa máy truyền thanh. Đầu tháng 11.1983, anh chị sinh con trai đầu Nguyễn Trọng Quyết và giữa năm 1984, anh Linh xuống Hà Nội học báo chí tại Trường Tuyên huấn Trung ương I (nay là Học viện Báo chí - tuyên truyền).
Cuối năm 1989, nhà báo Nguyễn Trọng Linh kết thúc khóa học, xin chuyển công tác về Đài Phát thanh Tuần Giáo với lý do: "Tháng 7.1985, sinh thêm con trai. Vợ làm kỹ thuật truyền thanh, phải nuôi 2 con nhỏ quá vất vả. Xin được về gần để chăm sóc vợ con". Thế nhưng, về huyện được vài tháng, đích thân Giám đốc Đỗ Văn Trác gọi: "Cậu lên lại đài tỉnh làm việc ngay".
Phần mộ liệt sĩ - nhà báo Nguyễn Trọng Linh, tại nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao, Điện Biên
Về lại đài tỉnh, anh Nguyễn Trọng Linh lại được cử xuống Hà Nội học kỹ thuật quay, nghiệp vụ truyền hình... và sau đó được tin tưởng, giao sử dụng máy quay của hãng Panasonic, rất giá trị thời điểm ấy. "Chiếc máy quay này do Trung ương cấp cho tỉnh. Hồi ấy chiếc máy trị giá 20 triệu, trong khi 1 lô đất ở khu vực sân bay Điện Biên Phủ chỉ có giá 5 triệu đồng. Vậy nên anh Linh giữ gìn cẩn thận lắm. Đi công tác tranh thủ ghé thăm nhà, dù mệt đến đâu cũng ngồi lau chùi và cất lên nóc tủ cao, không để con nghịch", chị Nguyệt nhớ lại vậy và cười: "Anh ấy bảo đấy là tài sản xã hội chủ nghĩa, cả đài có vài cái".
"Năm 1990, anh ấy về lại Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Lai Châu (cũ) thì tôi cũng xin chuyển về làm nhân viên kỹ thuật của Đài Phát thanh H.Tuần Giáo, để ông bà nội giúp chăm sóc 2 con nhỏ. Vợ chồng cách nhau cả trăm km, anh ấy thì phụ trách mảng dân tộc - vùng cao, suốt ngày lặn lội biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn. Từ khi cưới đến khi anh ấy hy sinh là 11 năm, nhưng tính ra vợ chồng ở cạnh nhau chỉ được 3 - 4 tháng", chị Nguyệt nhớ vậy.
Mấy ngày sau khi chồng gặp nạn, chị Nguyệt dẫn 2 con trai đi dọc sông Đà tìm tung tích chồng với hy vọng "suốt ngày đi sông sẽ biết tránh lũ". Chỉ đến khi thi hài chồng được đưa về TX.Lai Châu (cũ), tổ chức lễ truy điệu tại trụ sở đài và Phó ban Tổ chức chính quyền Nguyễn Minh Quang (sau làm Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu) nắm chặt tay chia buồn: "Tỉnh sẽ làm hết sức để làm chế độ cho Linh. Cậu ấy xứng đáng là chiến sĩ báo chí giữa thời bình. Em và các cháu cứ yên tâm", lúc ấy chị Nguyệt mới bật khóc.
Chị Hoàng Thị Nguyệt trước bàn thờ chồng: liệt sĩ - nhà báo Nguyễn Trọng Linh
"Khi mới yêu nhau, bao người can ngăn đừng lấy nhà báo, đã nghèo lại hay đi. Nhưng hồi ấy chúng tôi đã yêu là cưới, không phân biệt so bì và nghĩ đến những chuyện khác. Lấy nhau rồi, lại càng thương cái nghề vất vả. Đi suốt đấy, nhưng được ngày nghỉ là đạp xe cả ngày, qua sông qua núi về chăm sóc gia đình vợ con. Nếu được sống lại, tôi vẫn chọn anh ấy", chị Nguyệt nói vậy, trong chiều giữa tháng 6.2024.
Sau 23 năm công tác ở Đài Phát thanh Tuần Giáo, giữa năm 2002, chị Hoàng Thị Nguyệt được chuyển về làm tạp vụ tại Văn phòng Ban quản lý khu du lịch Pá Khoang ở TP.Điện Biên Phủ. Năm 2012 được nghỉ hưu, nhưng người vợ liệt sĩ vẫn xin làm công việc quét dọn vệ sinh thời vụ ở một cơ quan trong tỉnh Điện Biên, kiếm thêm khoản gần 3 triệu đồng/tháng.
2 con trai của liệt sĩ Nguyễn Trọng Linh: con cả là Nguyễn Trọng Quyết, ban đầu làm giáo viên, nhưng do ốm đau bệnh tật phải bỏ nghề, giờ làm công nhân may ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa; cậu con trai út Nguyễn Hoàng Quyền, hiện đang cùng vợ dạy học trên huyện miền núi Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên.
Mai Thanh Hải - Nguyễn Văn Hiếu